Mình quyết định chọn laptop Asus Gaming ROG Flow Z13 GZ301ZC i7 (LD110W) là một trong những siêu phẩm đáng mua trong tầm giá bởi nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa chiếc laptop gaming mỏng nhẹ, di động nhất và tablet Windows mạnh mẽ nhất.
Ngoại hình cơ động, đậm chất viễn tưởng
Thoạt nhìn, tưởng chừng như Asus ROG mang một diện mạo tựa như các dòng laptop Surface Pro của nhà Microsoft nhưng khi cầm em máy trên tay để ngắm nghía thì nó lại sở hữu một khí chất rất riêng, phong thái kiêu kỳ pha tí hầm hố gaming không lẫn vào đâu của Asus, điều đó làm cho Asus rất thành công trong việc thu hút ánh nhìn của người khác mỗi khi mình mang em máy này theo bên người.
Ở phương diện máy tính bảng, con số 1.18 kg chưa phải là một khối lượng nhẹ nhàng hay cân đối nhưng nếu xét ở khía cạnh máy tính xách tay, mình khá ưng ý với em ROG Flow này bởi tính di động cực cao mà hiếm có dòng laptop gaming nào qua mặt được.
Bản lề của laptop được Asus làm rất cứng cáp và chắc chắn. Cạnh ngoài rìa có miếng cao su khắc chữ ROG nhỏ nhắn vừa tăng tính thẩm mỹ cho máy vừa giúp mình mở phần chân dựng máy ra dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy đôi lúc việc mở máy ở góc tầm 90 – 170 độ hơi khó khăn với mình nhưng nó có thể đảm bảo sự chắc chắn và an toàn cho máy thì việc đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Asus rất thích tạo điểm nhấn cho các dòng sản phẩm của mình bằng những vết cắt xén tinh tế và chiếc ROG Flow này cũng không ngoại lệ. Lần này thì những đường cắt trên thân máy của Flow Z13 lại vô cùng độc đáo khi để lộ ra 1 phần ô nhỏ chứa các bo mạch máy bên trong, kết hợp dải đèn LED RGB với nhiều màu bắt mắt, mình đã thật sự ấn tượng và bị thu hút ngay từ lần đầu tiên với phong cách thiết kế quá đẹp và đậm chất Asus như này.
Thật ra mình không quá mong đợi vào phần bàn phím rời của máy nhưng khi được tận tay sờ vào em nó và gắn vào phần nam châm ở dưới cạnh máy thì mình đã thay đổi suy nghĩ hoàn toàn. Bàn phím được làm bằng da Microfiber, một loại da tổng hợp có độ bền tốt và tương đối giống với da thật, cho cảm giác êm ái và mịn màng khi mình nghỉ ngơi tay sau những trận chiến dài.
Mình cảm giác Asus đã rất đầu tư vào từng chi tiết của con máy này khi trang bị đèn LED RGB 1 vùng trên bàn phím, một điều rất hiếm khi xảy ra trên các sản phẩm có bàn phím rời khác, bố cục hợp lý và hành trình phím sâu giúp cho quá trình làm việc cũng như chơi game được hăng hái lên đáng kể. Một mẹo nhỏ mà mình áp dụng để bàn phím không bị đàn hồi quá nhiều khi gõ phím mạnh là đặt bàn phím nằm ngang với mặt bàn và không cần phải nâng lên một góc nhỏ.
Tuy nhiên với mình thì phần bàn di chuột của máy chưa được đã tay cho lắm do bề mặt còn nhỏ, khi di chuyển tay lên xuống khá bất tiện, không cuộn hết được trang web cần thiết nên các bạn hãy thủ sẵn một con chuột rời bên người để quá trình làm việc với bàn phím được tốt nhất nhé.
So với ROG Flow X13 năm ngoái chúng ta có thể gập 360 độ để biến chiếc laptop thành tablet, nhưng với cách sử dụng đó thì hiệu quả tản nhiệt của máy chưa được tối ưu hoàn toàn. Để khắc phục được điểm đó thì trên chiếc ROG Flow Z13 năm nay, Asus đã đặt hệ thống khe hút gió ở sau mặt lưng máy và tản nhiệt lên ở 2 bên cạnh trên máy, giúp cho quá trình lấy gió cũng như thổi hơi nóng ra ngoài được diễn ra suôn sẻ mà không lo vướng víu quá nhiều vật thể xung quanh khác.
Nhìn chung thì chiếc Z13 này vẫn giữ được nét đặc trưng với cổng kết nối XG Mobile Interface tương tự như dòng X13 tiền nhiệm, dùng để cắm các EGPU độc quyền của nhà ROG và mang lại một hiệu suất đồ họa mạnh mẽ hơn. Đáng tiếc là phiên bản này đã lược bớt cổng HDMI, gây khó khăn cho các công việc trình chiếu của mình nhưng bù lại thì cổng Thunderbolt 4 cũng hỗ trợ mình khá nhiều với tốc độ kết nối nhanh chóng hơn.
Phá vỡ mọi giới hạn với sức mạnh đến từ con chip Gen 12
Bên trong một chiếc laptop gaming tưởng chừng là mỏng gọn, nhỏ bé như này nhưng lại ẩn chứa một con hổ dũng mãnh đến từ bộ vi xử lý Intel Core i7 Alder Lake 12700H, cho hiệu suất hoạt động cao hơn phiên bản tiền nhiệm đồng thời giảm thiểu lượng điện năng tiêu thụ đáng kể. Mình đã làm một vài bài test CPU thông qua phần mềm Cinebench R23 với 2 chế độ Turbo và Silent.
Ở chế độ Turbo, con số mình ghi nhận lên đến 13625 điểm đa nhân và 1768 điểm đơn nhân, quá kinh khủng luôn. Tuy cho ra sức mạnh vượt trội nhưng điều này sẽ dẫn đến việc nóng máy quá nhanh, lúc này bạn có thể hạ công suất của con chip xuống một tí nhưng đừng lo việc hiệu suất bị tuột đi nhé. Và một điều quan trọng nữa là ở chế độ này thì máy chỉ trụ được khoảng 1 tiếng với đa tác vụ văn phòng mà mình sử dụng.
Ở chế độ Silent, với 4380 điểm đa nhân và 1283 điểm đơn nhân thì chiếc máy này vẫn đảm nhiệm tốt các tác vụ văn phòng, tuy sức mạnh bị giảm đi kha khá nhưng bù lại thì nhiệt độ và lượng pin đã được tối ưu hơn rất nhiều, mình có thể sử dụng máy lên đến 4 giờ với những tác vụ học tập, làm việc tương tự.
Đi kèm là card rời RTX 30 series – RTX 3050, một phần nào đó đã khẳng định vị thế của chiếc ROG Flow Z13 này là một chiếc máy tính bảng Windows mạnh nhất tính đến thời điểm 2022 hiện tại. So với phiên bản GTX 1650 được trang bị trên chiếc ROG X13 thì RTX 3050 đã bổ sung thêm một số công nghệ mới mẻ như Ray-Tracing và DLSS cho những trải nghiệm hình ảnh hay hiệu ứng phản chiếu sống động hơn bao giờ hết.
Một điểm khá ấn tượng nữa là chiếc laptop RAM 16 GB này được trang bị loại RAM LPDDR5 mạnh mẽ, do mặc định của RAM LPDDR5 bây giờ là dual-channel nên tốc độ truy xuất dữ liệu cao hơn đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm, từ đó tăng khả năng đa nhiệm vượt bậc và thuận tiện hơn rất nhiều cho quá trình sử dụng của người dùng.
Có nhiều tranh cãi xoay quanh việc mau nóng lên của máy nhưng đối với mình đây hoàn toàn không phải là một điểm yếu của Asus, bên trong chiếc laptop gaming mỏng nhẹ như thế này mà lại sở hữu một cấu hình khủng đáp ứng tốt hầu hết mọi tác vụ thì việc nóng máy cũng là điều dễ hiểu. Mình hoàn toàn có thể chữa cháy được việc đó bằng cách cho máy nghỉ ngơi, tắt hết các tab chạy ngầm không cần thiết hoặc ưu tiên sử dụng máy trong điều kiện thời tiết mát mẻ.
Đắm chìm vào thế giới giải trí sống động, chân thực
Về phần màn hình của máy, đối với mình ROG Z13 đã được cải thiện hơn rất nhiều so với phiên bản ROG X13 tiền nhiệm, chất lượng hình ảnh hiển thị trên màn hình cũng như độ bao phủ màu đã được nâng cấp lên đáng kể với các thông số gam màu mình nhận được từ công cụ chuyên dụng Spyder 5 Pro là 100% sRGB, 76% Adobe RGB và 77% DCI-P3.
Kích thước màn hình 13.4 inch với tần số quét lên đến 120 Hz giúp cho những trải nghiệm chơi game của mình hấp dẫn hơn bao giờ hết với những chuyển động hình ảnh mượt mà. Mình hoàn toàn tự tin khi mang chiếc máy này ra ngoài trời hay nơi có cường độ ánh sáng mạnh để sử dụng khi máy sở hữu độ sáng lên đến 500 nits.
Bản thân vốn là một chiếc tablet nên khả năng cảm ứng nhạy là điều khá dễ hiểu nhưng chưa dừng lại ở đó, laptop Asus tặng thêm một chiếc bút cảm ứng đi kèm, tuy không quá lớn lao nhưng nó đủ để thôi thúc mình mua chiếc máy này vì chỉ cần tưởng tượng đến cảnh cầm em máy này ra quán cafe ngồi rồi lấy bút vẽ vời, thiết kế các kiểu thì đã đủ độ “chất chơi” rồi.
Công nghệ âm thanh cũng là một điểm cộng cho chiếc laptop Asus ROG khi được trang bị những cái tên ấn tượng như Smart AMP, Dolby Atmos và Hi-Res certification cho âm lượng to rõ, độ khuếch âm lớn, hệ thống vòm đa chiều sống động và làm mình luôn bị cuốn theo không gian giải trí cực đã mỗi khi bước vào trận chiến.
Tuy nhiên phần loa của máy được đặt ở 2 bên cạnh dưới, nếu mình chơi các con game đua xe như Asphalt 9 ở dạng máy tính bảng thì khả năng khuếch tán âm sẽ không cao và gần như bị 2 tay của mình che lại, nhưng đó hoàn toàn không phải là vấn đề quá lớn vì nó chỉ bị hạn chế ở một vài tựa game nhất định và mình cũng luôn thủ sẵn một em tai nghe bên người mỗi khi mang em máy này theo sử dụng.
Tổng kết lại, chiếc laptop Asus Gaming ROG Flow Z13 GZ301ZC i7 (LD110W) hoàn toàn xứng đáng trong tầm giá bởi những lợi ích mà nó mang lại từ thiết kế di động gọn nhẹ đến sức mạnh bộc phá của con chip Intel Gen 12 mạnh mẽ, không hề là dư thừa đối với những người dùng đang tìm kiếm một phiên bản nâng cấp hoàn hảo của dòng Surface Pro.
Đánh giá
Clear filtersChưa có đánh giá nào.